Thị trường lao động Nhật Bản – Kỳ 4: Cơ hội lớn cho lao động Việt Nam
Luật mới cho phép Nhật Bản tiếp nhận ít nhất 345.000 nhân công nước ngoài thuộc 14 lĩnh vực, nhằm giải quyết tình trạng thiếu hụt lao động đang ở mức báo động.
Theo luật mới này, những thực tập sinh (TTS) Việt Nam chuẩn bị kết thúc kỳ làm việc ba năm đã có cơ hội tích lũy kinh nghiệm, học tập tiếng Nhật, nâng cao tay nghề, rèn luyện tác phong tốt nếu có nguyện vọng tham gia chương trình mới sẽ có cơ hội tiếp tục tham gia chương trình Kỹ năng đặc thù liên tục trong năm năm.
Tính đến nay các công ty xuất khẩu lao động Việt Nam đã đưa hơn 200.000 TTS sang Nhật làm việc, vượt qua Trung Quốc để trở thành nước dẫn đầu về số lượng TTS đang làm ở Nhật.
Tôi mong muốn có nhiều bạn trẻ từ 18-30 tuổi đủ khả năng, trình độ đi làm việc tại Nhật Bản và trở thành một lực lượng nhân sự chất lượng cao trong tương lai khi về lại Việt Nam để góp phần xây dựng đất nước.
Ông LÊ LONG SƠN
Vững tiếng Nhật để hòa nhập
Với chỉ 10% dân số Nhật có khả năng sử dụng tiếng Anh trong công việc và chỉ 5% thật sự nói tiếng Anh lưu loát, muốn giao tiếp với người Nhật cần phải học tiếng Nhật.
Cô Hoa Phượng, người đã có hơn 10 năm sinh sống ở Nhật, hiện là nhân viên tuyển dụng TTS Việt Nam thuộc nghiệp đoàn Kyodo Kumiai Shiga JCL, tỉnh Shiga, cho chúng tôi biết ở các vùng quê, xa các thành phố và trung tâm kinh tế lớn, đang thiếu lao động đặc biệt nhưng vốn sống khép kín nên người Nhật có mối lo ngại là người lao động nhập cư sẽ tràn vào nước Nhật mang theo văn hóa và ngôn ngữ khác biệt.
Vì vậy khó khăn lớn nhất với các TTS nước ngoài khi làm việc ở Nhật chính là khả năng hiểu và giao tiếp bằng tiếng Nhật.
Các tờ báo lớn ở Nhật cũng cho biết chính phủ nước này quyết định sẽ tổ chức kiểm tra trình độ tiếng Nhật dành cho các TTS đến từ các nước châu Á, đặc biệt là TTS đến từ các nước Đông Nam Á.
Bản thân các công ty Nhật cũng muốn các TTS Việt Nam vững tiếng Nhật và khuyến khích họ học bằng nhiều hình thức.
Ông Ishikura Satoru – giám đốc Công ty sản xuất mì Ishikura Men, công ty sản xuất mì lớn thứ ba của Nhật, có trụ sở chính đặt ở tỉnh Niigata – cho biết công ty ông khuyến khích các TTS có kết quả tốt trong kỳ thi kiểm tra tiếng Nhật bằng cách cho tăng lương.
Tổng giám đốc Hiroki Tojo của Công ty Okamura Home tại Việt Nam cho biết công ty ông đài thọ toàn bộ chi phí tham dự kỳ thi Năng lực Nhật ngữ (khoảng 1,1 triệu đồng) và tăng lương cho những bạn nào thi đậu.
Trong khi đó, tổng giám đốc Hondaplus Vietnam, ông Koichi Takenaka, chia sẻ dù không đài thọ chi phí thi, nhưng công ty ông tổ chức lớp Nhật ngữ hai lần một tuần cho các TTS tham gia học miễn phí, khuyến khích họ phát triển khả năng ngôn ngữ.
Đã từng đưa nhiều TTS Việt sang Nhật làm việc trong các năm qua, ông Lê Long Sơn, tổng giám đốc Công ty TNHH Esuhai (Q.Tân Bình, TP.HCM), cho biết luật mới đưa ra của Nhật có những yêu cầu nhất định về kinh nghiệm, ngoại ngữ, chuyên môn.
“Các bạn TTS phải có một sự chuẩn bị, đầu tư kỹ cho việc học tiếng Nhật và trang bị kỹ năng, kiến thức về văn hóa làm việc tại công ty Nhật Bản. Sau năm năm làm việc, các TTS có cơ hội tiếp tục làm việc tại Nhật Bản nếu thi đậu các kỳ thi bắt buộc”, ông nói.
Ông Sơn cũng kỳ vọng những bạn trẻ chuẩn bị làm TTS phải biết nắm lấy cơ hội này và tự bản thân phải có định hướng tương lai đúng đắn để phát triển lâu dài.
PGS.TS Carola Hommerich, chuyên gia nghiên cứu Nhật Bản, nhận định: “Không biết rõ ngôn ngữ sẽ hạn chế sự hòa nhập của các bạn, bao gồm việc giao tiếp với đồng nghiệp và hiểu rõ quyền lợi của mình. Bên cạnh đó, trong trường hợp các bạn có con, nếu không nắm rõ tiếng Nhật sẽ rất khó để con cái mình có được một nền giáo dục tốt”.
Bà cho rằng Chính phủ Nhật cần quan tâm giúp đỡ các TTS nước ngoài học tiếng Nhật để họ nhanh chóng xóa bỏ các rào cản, dễ hòa nhập môi trường Nhật Bản.
Sẵn sàng về nông thôn
Thành phố Shiga nơi cô Hoa Phượng sinh sống và làm việc cách Tokyo hơn hai tiếng đi xe lửa. Nơi đây không còn nhiều thanh niên do họ bỏ lên các thành phố lớn, vì vậy Shiga cũng như nhiều nơi khác tương tự rất cần lao động. Đây chính là những nơi các doanh nghiệp Nhật cần tuyển dụng TTS nước ngoài.
Báo Nikkie cho biết Chính phủ Nhật đã đề xuất đưa lao động nhập cư ra ngoài rìa các thành phố lớn, các vùng hẻo lánh – những nơi đang thiếu lao động và không được người làm chính sách ngó ngàng đến.
Vẫn theo báo Nikkie, chương trình thị thực mới của Nhật bao gồm nhiều sáng kiến hỗ trợ lao động nước ngoài về ngôn ngữ, cũng như thiết lập khoảng 100 trung tâm trợ giúp rải khắp đất nước để giải quyết nhu cầu của họ.
Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Hiroki Tojo cho rằng các TTS cần xác định cho mình mục tiêu tương lai khi qua Nhật thay vì chỉ để kiếm tiền, có được khoản dành dụm mang về nước. Có như vậy mới có thể hi vọng phát triển được sự nghiệp sau này.
Cũng từ suy nghĩ đó, ông Lê Long Sơn cho rằng với tốc độ phát triển kinh tế mạnh mẽ hiện nay, Việt Nam rất cần có một đội ngũ nhân sự chuyên nghiệp, có tay nghề chuyên môn, tác phong và ngoại ngữ tốt.
“Tôi mong muốn có nhiều bạn trẻ từ 18-30 tuổi đủ khả năng, trình độ đi làm việc tại Nhật Bản và trở thành một lực lượng nhân sự chất lượng cao trong tương lai khi về lại Việt Nam để góp phần xây dựng đất nước”.
14 ngành nghề Nhật Bản tiếp nhận
Xây dựng, đóng tàu/công nghiệp tàu thủy, nông nghiệp, hộ lý, lưu trú, sản xuất thực phẩm/đồ uống, nhà hàng, ngư nghiệp, vệ sinh tòa nhà, công nghiệp rèn đúc, máy móc công nghiệp, điện/điện tử/thông tin, bảo dưỡng/sửa chữa ôtô và hàng không.
Chính phủ Nhật Bản sẽ cấp visa kỹ năng đặc thù (loại 1) có thời hạn tối đa năm năm cho lao động trong 14 ngành nghề nêu trên và visa kỹ năng đặc thù (loại 2) không giới hạn thời gian cho những lao động giàu kỹ năng trong năm ngành nghề: xây dựng, đóng tàu, sửa chữa bảo dưỡng ôtô, hàng không và lưu trú khách sạn.
(Nguồn: Cục Quản lý lao động ngoài nước, Bộ Lao động – thương binh và xã hội)
Kỳ tới: Chuyến đi thay đổi cuộc đời