Nỗ lực để khôi phục xuất khẩu lao động hậu Covid- 19
10:41 | 23/07/2020.
(LĐTĐ) Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội đang khẩn trương triển khai các biện pháp khôi phục hoạt động đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài sau đại dịch Covid-19. Sắp tới, Bộ sẽ có văn bản hướng dẫn mở lại thị trường cho doanh nghiệp hoạt động ở lĩnh vực này.
Bộ Lao động- Thương binh và Xã hội đang khẩn trương triển khai các biện pháp khôi phục hoạt động đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài sau đại dịch Covid-19 |
Tập trung vào 3 thị trường trọng điểm
Ông Nguyễn Gia Liêm, Phó Cục trưởng Cục Quản lý lao động ngoài nước, cho biết đến nay, sau khi tình hình dịch Covid-19 có chuyển biến tích cực, giới chủ ở Hàn Quốc và Đài Loan (Trung Quốc) đều đang muốn tiếp tục nhận lao động Việt Nam để khôi phục sản xuất – kinh doanh.
“Hai quốc gia và vùng lãnh thổ này không áp dụng quy định dừng tiếp nhận lao động nước ngoài nhập cảnh vào làm việc mà vẫn đang tiếp tục mở cửa thị trường cho lao động nước ngoài. Các doanh nghiệp ở khu vực này cũng có khả năng đáp ứng được các yêu cầu về địa điểm cách ly, thời gian cách ly cũng như việc giám sát thực hiện cách ly cho lao động nước ngoài” – ông Nguyễn Gia Liêm thông tin thêm.
Cũng theo ông Liêm, thị trường Nhật Bản cũng đang có nhu cầu cao về tiếp nhận lao động Việt Nam, tập trung ở các lĩnh vực: Nông nghiệp, chăm sóc người cao tuổi, chế biến suất ăn, thực phẩm… Nhật Bản có thể mở cửa trở lại cho lao động nước ngoài vào tháng 7 và tháng 8 tới, sau khi chính phủ nước này dỡ bỏ tình trạng khẩn cấp trên toàn quốc vào ngày 25/5.Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan là 3 thị trường xuất khẩu lao động trọng điểm của Việt Nam.
Trong hơn 10 năm qua, hằng năm, số lượng lao động Việt Nam sang 3 thị trường này chiếm trên 90% tổng số lao động đi làm việc ở nước ngoài. Do vậy, việc khôi phục 3 thị trường này quyết định Việt Nam có đạt mục tiêu đưa 130.000 người đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng trong năm nay hay không.
Đó cũng là lý do mà tại cuộc họp Thường trực Chính phủ về phòng chống dịch Covid-19 mới đây, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã giao Bộ Lao động- Thương binh và Xã hội chủ trì chỉ đạo việc đưa người Việt Nam đi làm việc tại nước ngoài, đặc biệt là Hàn Quốc, Nhật Bản, Đài Loan (Trung Quốc), ngay sau khi các thị trường chủ lực này cơ bản đã an toàn, chính sách hạn chế nhập cảnh được dỡ bỏ.
Phải hết sức thận trọng
Tuy có những tín hiệu tích cực nhưng kế hoạch đưa người lao động ra nước ngoài làm việc theo hợp đồng trong năm 2020 chắc chắn sẽ bị ảnh hưởng, đặc biệt trong bối cảnh các thị trường lớn Nhật Bản, Đài Loan, Hàn Quốc vẫn đang kiểm soát chặt chẽ nhập cảnh. Riêng ở Nhật, do chính sách hạn chế nhập cảnh, từ đầu năm đến nay, hàng ngàn lao động đã ký kết hợp đồng với các nghiệp đoàn của nước này vẫn chưa thể xuất cảnh.
Giảm 40% lao động đi làm việc ở nước ngoài: Theo Thứ trưởng Bộ Lao động- Thương binh và Xã hội Lê Văn Thanh, trong 6 tháng đầu năm 2020, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, cả nước chỉ đưa được 33.500 người đi làm việc ở nước ngoài, giảm 40% so với cùng kỳ năm 2019. Riêng trong tháng 5, các doanh nghiệp chỉ cung ứng được 126 lao động. Cũng trong 6 tháng đầu năm, có hơn 5.000 lao động Việt Nam ở nước ngoài phải về nước do ảnh hưởng của dịch Covid-19 (chủ yếu là lao động hết hạn hợp đồng không thể gia hạn, ốm đau, thai sản, mất việc làm vì xí nghiệp, chủ sử dụng lao động thu hẹp sản xuất…). |
Cục Quản lý lao động ngoài nước cho biết trước những diễn biến mới của tình hình dịch Covid-19 ở trong và ngoài nước, căn cứ tình hình lao động Việt Nam làm việc ở nước ngoài, chính sách tiếp nhận lao động nước ngoài của các quốc gia và vùng lãnh thổ, Cục sẽ có hướng dẫn cụ thể cho doanh nghiệp. Cơ quan này cũng đã trình Bộ Lao động- Thương binh và Xã hội ban hành công văn hướng dẫn doanh nghiệp đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài tại các thị trường đã an toàn và có nhu cầu tiếp nhận lao động Việt Nam.
Trước mắt, theo chỉ đạo của Bộ Lao động- Thương binh và Xã hội và Cục Quản lý lao động ngoài nước, doanh nghiệp phải nghiêm túc thực hiện các hướng dẫn của cơ quan chức năng địa phương về phòng chống dịch Covid-19 trong công tác tư vấn, tuyển chọn, đào tạo, giáo dục định hướng cho người lao động. Bên cạnh đó, doanh nghiệp phải chủ động trao đổi với đối tác nước ngoài trên cơ sở chính sách, quy định về xuất nhập cảnh và tiếp nhận lao động để bảo đảm người lao động nhập cảnh hợp pháp, an toàn cũng như quyền lợi được bảo đảm trong trường hợp phải thực hiện cách ly sau khi nhập cảnh.
Ngọc Tú (nguồn Lao động Thủ đô)