Chú trọng nhiệm vụ đại diện, bảo vệ đoàn viên, người lao động
13:51 | 06/03/2020.
(LĐTĐ) Nâng cao chất lượng hoạt động công đoàn cơ sở; nhân rộng các mô hình thiết thực chăm lo lợi ích vật chất, tinh thần cho đoàn viên và người lao động, đặc biệt là chăm lo cho đoàn viên, người lao động ở doanh nghiệp ngoài khu vực nhà nước, các khu công nghiệp, khu chế xuất… Đó là những nội dung được đề cập đến trong Nghị quyết về nhiệm vụ của tổ chức Công đoàn năm 2020 vừa được Ban Chấp hành Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam ban hành.
Tổng LĐLĐ Việt Nam đề nghị chú trọng tuyên truyền về pháp luật lao động cho đoàn viên, CNVCLĐ. |
Chú trọng nhiệm vụ đại diện, bảo vệ đoàn viên, người lao động
Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) Việt Nam Nguyễn Đình Khang vừa thay mặt Ban Chấp hành Tổng LĐLĐ Việt Nam ký ban hành Nghị quyết số 08/NQ-BCH về nhiệm vụ của tổ chức Công đoàn năm 2020. Đây là năm được đánh giá quan trọng – năm thứ hai triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội XII Công đoàn Việt Nam, năm diễn ra Đại hội Đảng các cấp, tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng và nhiều ngày kỷ niệm lớn của đất nước.
Với chủ đề hoạt động năm là “Nâng cao chất lượng hoạt động công đoàn cơ sở”, năm 2020, các cấp công đoàn tập trung tạo sự chuyển biến mạnh mẽ hoạt động công đoàn cơ sở (CĐCS) với 7 nhóm vấn đề chủ yếu được định hướng: Phát huy vai trò chủ động, tích cực của CĐCS trong tổ chức thương lượng, ký kết và giám sát việc thực hiện thỏa ước lao động tập thể; nâng cao hiệu quả thực hiện quy chế dân chủ, chú trọng đối thoại để giải quyết những vấn đề mà công nhân, lao động quan tâm;
Tăng cường thông tin tuyên truyền ở cơ sở; tổ chức các hoạt động ở cơ sở thật sự xuất phát từ nhu cầu, đáp ứng nguyện vọng của đoàn viên, người lao động theo hướng tăng quyền thụ hưởng, tính thiết thực, sát hợp; phát huy vai trò của đoàn viên công đoàn trong đề xuất nội dung, thực hiện nhiệm vụ và giám sát đối với hoạt động CĐCS và Ban Chấp hành CĐCS; đổi mới công tác cán bộ CĐCS, tập trung đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn cho chủ tịch CĐCS và tăng cường sự gắn kết giữa đoàn viên với cán bộ công đoàn; chú trọng công tác kiểm tra, giám sát nhất là trong công tác tài chính.
Trong đó, Tổng LĐLĐ Việt Nam đề nghị các cấp công đoàn chủ động xây dựng để trình dự án sửa đổi, bổ sung Luật Công đoàn. Triển khai thực hiện Bộ luật Lao động (sửa đổi), tích cực tham gia xây dựng và triển khai các nghị định, văn bản hướng dẫn thi hành Bộ luật Lao động (sửa đổi) trong tổ chức Công đoàn. Tập trung thực hiện nhiệm vụ đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của đoàn viên, người lao động, chú trọng lãnh đạo việc sửa đổi, bổ sung, ký mới thỏa ước lao động tập thể theo hướng phát triển về số lượng, nâng cao chất lượng, quan tâm chính sách đối với lao động nữ.
Tích cực phát huy vai trò tổ chức Công đoàn trong Hội đồng Tiền lương quốc gia về tiền lương tối thiểu vùng năm 2021. Chủ động thực hiện các giải pháp để tạo điều kiện thuận lợi cho CĐCS tiến hành đàm phán, thương lượng tiền lương cho người lao động năm 2021 theo quy định pháp luật. Kiện toàn và nâng cao hiệu quả hoạt động tư vấn pháp luật công đoàn. Tích cực tham gia kiểm tra, giám sát việc chấp hành pháp luật lao động đối với người lao động; tập trung giám sát việc thực hiện chế độ, chính sách đối với người lao động về bảo hiểm xã hội; an toàn vệ sinh thực phẩm, chất lượng bữa ăn ca và chính sách nâng cao trình độ nghề nghiệp cho người lao động. Tổ chức kịp thời, hiệu quả hoạt động đối thoại với người sử dụng lao động…
Bên cạnh đó, tổ chức tốt kế hoạch chăm lo cho đoàn viên và người lao động trong dịp Tết; nhân rộng các mô hình thiết thực chăm lo lợi ích vật chất, tinh thần cho đoàn viên và người lao động, đặc biệt là chăm lo cho đoàn viên, người lao động ở doanh nghiệp ngoài khu vực nhà nước, các khu công nghiệp, khu chế xuất, phấn đấu ký mới 375 thỏa thuận hợp tác. Sửa đổi, bổ sung Quy chế thành lập, tổ chức hoạt động của Quỹ “Mái ấm Công đoàn” phù hợp với tình hình thực tiễn, phấn đấu xây dựng, sửa chữa 2.638 nhà Mái ấm công đoàn. Tiếp tục triển khai thực hiện xây dựng các thiết chế công đoàn tại các khu công nghiệp, khu chế xuất theo Đề án đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt…
Tổ chức tốt các phong trào thi đua
Là năm có nhiều ngày lễ kỷ niệm lớn và sự kiện trọng đại của đất nước, Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam Nguyễn Đình Khang đề nghị các cấp công đoàn tập trung tuyên truyền, nâng cao nhận thức về Đảng, thành tựu phát triển đất nước, gắn với học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; về giai cấp công nhân, về tổ chức và hoạt động công đoàn đối với đoàn viên, người lao động. Trong đó, chú trọng tuyên truyền về Đại hội Đảng các cấp tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng; tích cực tham gia đóng góp ý kiến vào dự thảo văn kiện đại hội đảng các cấp, Văn kiện Đại hội XIII của Đảng.
Đồng thời tiến hành thường xuyên các hoạt động tuyên truyền về pháp luật lao động cho đoàn viên, công nhân, viên chức, lao động (CNVCLĐ). Tổ chức đồng bộ các hoạt động Tháng Công nhân năm 2020, trọng tâm ở CĐCS doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế và Chương trình Thủ tướng Chính phủ đối thoại với người lao động tiêu biểu trong phong trào “Lao động giỏi, Lao động sáng tạo” (2016 – 2020).
Triển khai Kế hoạch thi đua năm 2020 trong CNVCLĐ với chủ đề: CNVCLĐ cả nước thi đua đổi mới, sáng tạo, làm chủ khoa học công nghệ, lập thành tích thiết thực chào mừng 90 năm Ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam, Đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng và Đại hội thi đua yêu nước lần thứ X. Tập trung đẩy mạnh các phong trào thi đua tại cơ sở, thúc đẩy năng suất lao động, chất lượng sản phẩm, hiệu quả công tác, đảm bảo an toàn lao động. Phong trào thi đua “Đổi mới, sáng tạo, hiệu quả trong hoạt động của tổ chức Công đoàn” hướng trọng tâm vào kết quả phục vụ nâng cao chất lượng hoạt động CĐCS. Tổ chức Hội nghị điển hình tiên tiến CNVCLĐ các cấp tiến tới Đại hội thi đua yêu nước CNVCLĐ lần thứ X, giai đoạn 2016 – 2020…
Một số chỉ tiêu cơ bản trong năm 2020
1. Kết nạp mới 600.000 đoàn viên công đoàn. 2. Thành lập CĐCS tại 1.688 doanh nghiệp có 25 công nhân, lao động trở lên. 3. Giới thiệu 126.839 đoàn viên công đoàn ưu tú cho Đảng xem xét, bồi dưỡng kết nạp vào Đảng Cộng sản Việt Nam. 4. Thành lập mới 1.993 Ban nữ công quần chúng ở ngoài khu vực nhà nước theo qui định của Điều lệ Công đoàn Việt Nam. 5. Về thực hiện quy chế dân chủ cơ sở: – Tổ chức hội nghị cán bộ, công chức tại 69.286 cơ quan, đơn vị; Tổ chức hội nghị người lao động tại 1.816 doanh nghiệp nhà nước và 19.449 doanh nghiệp ngoài khu vực nhà nước. – Tổ chức đối thoại tại nơi làm việc ở 1.807 doanh nghiệp nhà nước và 20.902 doanh nghiệp ngoài khu vực nhà nước. 6. Thực hiện 1.009 cuộc giám sát theo Quyết định số 217-QĐ/TW ngày 12/12/2013 của Bộ Chính trị. 7. Ký mới 2.261 bản thỏa ước lao động tập thể ở doanh nghiệp có tổ chức Công đoàn. 8. Đề xuất, thương lượng với người sử dụng lao động điều chỉnh bữa ăn giữa ca lên bằng hoặc cao hơn 15.000 đồng ở 2.120 doanh nghiệp. 9. Tổ chức Tháng Công nhân với chủ đề “Năng suất cao – An toàn lao động – Thu nhập tốt” ở 47.417 CĐCS trong doanh nghiệp. 10. Có thêm 6.682 doanh nghiệp thực hiện việc nộp kinh phí công đoàn qua tài khoản Công đoàn Việt Nam. 11. Có 1.248 công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở tổ chức thực hiện việc kiểm tra tài chính cùng cấp. Tổng Liên đoàn, các LĐLĐ tỉnh, thành phố, công đoàn ngành trung ương và tương đương, công đoàn tổng công ty trực thuộc Tổng Liên đoàn tổ chức kiểm tra tài chính tại 415 CĐCS ngoài khu vực nhà nước. |
Lan Ngọc (nguồn Lao động thủ đô)