16:26 | 10/03/2020.
(LĐTĐ) Năm 2019, Trung tâm Tư vấn pháp luật Công đoàn Hà Nội đã phối hợp chặt chẽ với Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) các quận, huyện, công đoàn ngành, công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở đẩy mạnh hoạt động tuyên truyền, tư vấn pháp luật, đối thoại chính sách; hỗ trợ pháp lý cho người lao động. Thông qua đó, đã góp phần nâng cao kiến thức pháp luật, từng bước tạo được niềm tin pháp lý cho đoàn viên công đoàn, người lao động và công đoàn cơ sở.
Bà Vũ Thị Hương- Giám đốc Trung tâm Tư vấn pháp luật Công đoàn Hà Nội tuyên truyền, tư vấn pháp luật cho công nhân lao động Công ty TNHH Yamaha Motor Việt Nam. |
Trên 19 ngàn CNVCLĐ được tuyên truyền
Bà Vũ Thị Hương- Giám đốc Trung tâm Tư vấn pháp luật Công đoàn Hà Nội cho biết, xác định công tác tuyên truyền, tư vấn pháp luật có vai trò đặc biệt quan trọng nhằm nâng cao nhận thức pháp luật cho người lao động, nhất là công nhân lao động trực tiếp trong các doanh nghiệp ngoài nhà nước, góp phần xây dựng quan hệ lao động hài hòa, thời gian qua, Trung tâm Tư vấn pháp luật Công đoàn Hà Nội cùng với tổ tư vấn pháp luật công đoàn các LĐLĐ quận, huyện, ngành đã tích cực hoạt động, thực hiện hiệu quả các chức năng, nhiệm vụ của mình thông qua việc tăng cường tổ chức tuyên truyền, tư vấn pháp luật cho người lao động với hình thức đa dạng như tư vấn tại trụ sở đơn vị, tư vấn qua điện thoại, qua hộp thư điện tử, qua trang web của LĐLĐ Thành phố và các phương tiện thông tin đại chúng, đặc biệt là đẩy mạnh các hoạt động tư vấn lưu động tại doanh nghiệp, sát với cơ sở, người lao động.
Cụ thể, trong năm 2019, Trung tâm đã phối hợp với các LĐLĐ quận, huyện, thị xã, công đoàn ngành, công đoàn cấp trên cơ sở tổ chức 5 cuộc đối thoại về những nội dung pháp luật liên quan đến quyền và nghĩa vụ của người lao động, 77 cuộc tuyên truyền, tư vấn pháp luật lưu động về Bộ Luật Lao động, Luật Công đoàn và các văn bản quy phạm pháp luật liên quan tới người lao động cho khoảng hơn 19.250 công nhân viên chức lao động (CNVCLĐ); thực hiện tư vấn lưu động tại ki ốt thông tin đặt tại khu nhà ở công nhân khu công nghiệp Bắc Thăng Long trong dịp Tháng Công nhân.
Cùng đó, Trung tâm còn thực hiện tư vấn tại trụ sở cho 385 đối tượng về những nội dung của Luật Viên chức, Bộ luật lao động, Luật bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp và một số lĩnh vực lao động đồng thời thực hiện tư vấn qua điện thoại, tư vấn thông qua Trang Thông tin điện tử của LĐLĐ Thành phố và hộp thư điện tử của Trung tâm cho hàng ngàn đối tượng. Đặc biệt, Trung tâm đã tham gia 03 vụ việc tư vấn, hỗ trợ pháp lý, đại diện bảo vệ người lao động tại Tòa, đòi bồi thường 416 triệu đồng cho người lao động.
Tại cấp trên cơ sở, LĐLĐ các quận, huyện, công đoàn ngành cũng đã kiện toàn, thành lập 39 tổ Tư vấn pháp luật. Các Tổ tư vấn pháp luật đã tham mưu cho Ban thường vụ công đoàn cấp trên cơ sở xây dựng Quy chế hoạt động và chương trình công tác tư vấn pháp luật năm 2019 để triển khai đến công đoàn cơ sở và phát triển mạng lưới tư vấn pháp luật cơ sở. Nhiều LĐLĐ quận, huyện đã tích cực tham gia đoàn kiểm tra liên ngành đồng cấp để kiểm tra việc chấp hành Bộ Luật lao động, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp tại các doanh nghiệp trên địa bàn, qua đó thực hiện tư vấn cho người sử dụng lao động các vấn đề có liên quan đến việc thực hiện tốt hơn nữa chế độ chính sách đối với người lao động.
“Có thể nói, hoạt động tuyên truyền, tư vấn pháp luật của các cấp công đoàn Thủ đô đã đạt những hiệu quả thiết thực, từng bước tạo niềm tin pháp lý cho đoàn viên công đoàn, người lao động và công đoàn cơ sở”, bà Vũ Thị Hương khẳng định.
Chưa được đầu tư đúng mức
Bên cạnh những kết quả đạt được, bà Vũ Thị Hương thẳng thắn nhìn nhận, công tác tuyên truyền và tư vấn pháp luật cho người lao động vẫn còn một số tồn tại, hạn chế. Đối với Trung tâm Tư vấn pháp luật Công đoàn Hà Nội dù đã thực hiện tốt 2 lĩnh vực là: Tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật, hướng dẫn giải đáp pháp luật, tư vấn miễn phí cho tổ chức công đoàn, CNVCLĐ và tham gia các hoạt động xây dựng pháp luật song lĩnh vực tham gia bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng cho CNCVLĐ, đoàn viên công đoàn tại các cơ quan tố tụng còn hạn chế, chưa mở rộng thực hiện các dịch vụ pháp lý cho các đối tượng theo yêu cầu.
Tại hội nghị triển khai công tác tư vấn pháp luật được tổ chức mới đây, lãnh đạo Trung tâm Tư vấn pháp luật Công đoàn Hà Nội cho biết, năm 2020, Trung tâm đặt mục tiêu sẽ lồng ghép công tác tư vấn pháp luật với thực hiện giải quyết tranh chấp lao động và tổ chức đối thoại tại đơn vị cơ sở; tăng cường tổ chức tuyên truyền, phổ biến giáo dục và tư vấn pháp luật lưu động cho công nhân lao động tại các khu nhà trọ và các doanh nghiệp; tăng cường quảng bá hoạt động tư vấn pháp luật miễn phí của tổ chức công đoàn đến với công nhân lao động và công đoàn cơ sở; đổi mới, mở rộng và đa dạng hoá các hình thức tư vấn pháp luật… Một số chỉ tiêu cụ thể mà Trung tâm sẽ phấn đấu gồm: 100% tư vấn viên của Trung tâm, thành viên các Tổ Tư vấn pháp luật công đoàn cấp trên cơ sở được tập huấn bồi dưỡng kỹ năng nghiệp vụ tư vấn pháp luật; tổ chức tuyên truyền và tư vấn pháp luật cho khoảng 15.000 đoàn viên, công nhân lao động tại 70 đơn vị, doanh nghiệp; hỗ trợ tổ chức 05 hội nghị đối thoại giữa công nhân lao động, đại diện công đoàn, người sử dụng lao động và cơ quan quản lý nhà nước về những nội dung liên quan tới việc thực hiện chính sách đối với người lao động tại các đơn vị, doanh nghiệp, góp phần xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định. |
Ở các công đoàn cấp trên cơ sở, công tác tư vấn pháp luật có lúc, có nơi chưa được quan tâm đầu tư đúng mức về thời gian và kinh phí cho các hoạt động tư vấn tại cơ sở, chất lượng tư vấn chưa cao do kinh phí đầu tư cho hoạt động này còn ít, bộ máy và đội ngũ cán bộ làm công tác pháp luật còn mỏng, đều là kiêm nhiệm, thời gian dành cho hoạt động tư vấn pháp luật chưa nhiều nên chưa đáp ứng nhu cầu tư vấn của các đối tượng.
Trong khi đó, nhiều cán bộ công đoàn cấp trên cơ sở thì phản ánh, ý thức chấp hành pháp luật nói chung, Luật Lao động nói riêng của chủ sử dụng lao động còn chưa nghiêm. Nhiều chủ doanh nghiệp chưa “mặn mà” với việc gia nhập và tạo điều kiện cho công đoàn hoạt động nên công đoàn rất khó tiếp cận với công nhân lao động để tuyên truyền, tư vấn pháp luật.
Để khắc phục những tồn tại hạn chế, thực hiện hiệu quả hơn nữa công tác tuyên truyền, tư vấn, giáo dục pháp luật qua đó đưa pháp luật đến với CNVCLĐ hiệu quả hơn, giúp người lao động có thể tự bảo vệ mình trong quan hệ lao động, bà Vũ Thị Hương cho rằng, trước hết cần tạo chuyển biến về nhận thức của chủ sử dụng lao động và người lao động về sự cần thiết của việc nâng cao hiểu biết pháp luật cho công nhân lao động.
Cùng đó, cần tăng cường phân cấp và quy rõ trách nhiệm cho từng cấp công đoàn trong việc tổ chức hoạt động tư vấn, đánh giá hiệu quả về công tác này. Một số cán bộ công đoàn cấp trên cơ sở thì đề xuất công tác tuyên truyền tư vấn pháp luật cần đa dạng hóa hơn về cách thức, phương pháp và LĐLĐ Thành phố cần có những hỗ trợ kinh phí đào tạo chuyên sâu cho một số tư vấn viên về các nội dung pháp luật Lao động, tố tụng, trực tiếp tham gia giải quyết các vụ án, nhất là phải đạt trình độ Luật sư, được tham gia học tập chuyên sâu tại Học viện Tư pháp.
LĐLĐ Thành phố cần quan tâm công tác cán bộ, nhất là cán bộ chuyên trách làm việc tại các LĐLĐ quận để đảm bảo đủ số lượng, chất lượng, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong thời gian trước mắt và lâu dài. Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng, ngoài trông chờ vào tổ chức công đoàn, người lao động cũng cần chủ động nghiên cứu luật để tự bảo vệ quyền lợi chính đáng của bản thân, tránh thiệt thòi trong quan hệ lao động.
Ngọc Tú (nguồn Lao động thủ đô)