Cơ hội “vàng” cho xuất khẩu sang thị trường Trung Đông
Chiều 17/3, Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư Thành phố Hồ Chí Minh (ITPC) tổ chức Hội thảo “Cơ hội vàng cho xuất khẩu Việt đến các quốc gia Trung Đông sau đại dịch Covid-19” nhằm hỗ trợ doanh nghiệp thành phố phục hồi sản xuất, tìm kiếm đối tác, mở rộng thị trường xuất khẩu trong bối cảnh mới.
Quang cảnh Hội thảo. (Ảnh: Trung Kiên) |
Tại hội thảo, các đại biểu cho rằng, Trung Đông đang nổi lên như khối thị trường xuất khẩu tiềm năng cho doanh nghiệp Việt Nam với dân số đông (khoảng 400 triệu dân) và mức sống cao. Quan hệ thương mại của Việt Nam với khu vực Trung Đông chủ yếu tập trung vào các quốc gia thuộc Hội đồng hợp tác Vùng Vịnh (GCC) với 6 quốc gia thành viên là: Các tiểu Vương quốc Ả rập thống nhất (UAE), Arab Saudi, Kuwait, Bahrain, Qatar và Oman.
Vài năm gần đây, kim ngạch xuất, nhập khẩu của Việt Nam với các nước GCC gia tăng nhanh chóng và có mức tăng đột biến từ năm 2012 đến nay. Nếu như năm 2012 kim ngạch xuất, nhập khẩu của Việt Nam với các nước GCC mới đạt 2,7 tỷ USD, thì tới năm 2021 đã tăng gấp 4,6 lần, đạt 12,5 tỷ USD.
Riêng với Thành phố Hồ Chí Minh, Trung Đông là một thị trường đầy tiềm năng và còn nhiều dư địa để khai thác. Trong những năm qua, kim ngạch xuất khẩu của Thành phố Hồ Chí Minh sang các quốc gia Trung Đông tăng đều theo các năm. Chỉ tính riêng với UAE, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu năm 2021 của thành phố với nước này ước đạt 340 triệu USD, trong đó xuất khẩu ước đạt 230 triệu USD, tăng 12% so với năm 2020. Xuất khẩu của Thành phố Hồ Chí Minh sang Iraq ước đạt hơn 130 triệu USD trong năm 2021, tăng 21% so năm 2020.
Các mặt hàng chính của thành phố xuất khẩu sang thị trường các nước Trung Đông bao gồm: Thủy hải sản; rau, củ, quả; cà phê; hạt tiêu; dệt may; máy tính và linh kiện điện tử, linh kiện điện thoại…
Các chuyên gia lưu ý, hiện, doanh nghiệp Việt Nam nói chung và Thành phố Hồ Chí Minh nói riêng còn gặp nhiều khó khăn khi tiếp cận thị trường Trung Đông như thiếu thông tin, những rào cản về logistics và thanh toán quốc tế. Vì vậy, doanh nghiệp cần tìm hiểu kỹ những vấn đề trên thông qua sự hỗ trợ từ các cơ quan, tổ chức ngoại giao của Việt Nam tại khu vực Trung Đông cũng như các cơ quan xúc tiến thương mại và đầu tư khác.
Thời gian tới, ITPC sẽ tiếp tục triển khai các đoàn khảo sát thị trường, kết nối giao thương và gặp gỡ các hệ thống kênh phân phối hiện đại tại khu vực Trung Đông, nhất là 2 thị trường xuất khẩu mạnh của Việt Nam hiện nay là UAE và Kuwait, để hỗ trợ cho doanh nghiệp.