Đến thời điểm này, dịch bệnh COVID-19 đang tác động mạnh mẽ tới hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp (DN). Dịch bệnh đã làm giảm đơn hàng khiến nhiều DN đứng trước nguy cơ đóng cửa.

Theo thống kê, các thị trường truyền thống lớn như: Nhật Bản, Đài Loan, Hàn Quốc chiếm đến 80% số lao động ra nước ngoài làm việc những năm qua. Chính vì thế, số DN cung ứng lao động cho các thị trường này cũng chiếm phần lớn. Thông thường, vào thời điểm này hàng năm, việc tuyển dụng và xuất cảnh sang thị trường Nhật Bản, Đài Loan (Trung Quốc) rất sôi động. Tuy nhiên, năm nay, các đơn hàng đều sụt giảm.

Thống kê của Cục Quản lý lao động ngoài nước cũng cho thấy, hiện có hơn 300 DN được cấp phép đưa lao động đi làm việc ở Nhật Bản, nhưng hầu hết các DN đang chịu tác động từ dịch bệnh. Hiện, Cục Quản lý lao động ngoài nước cũng đang bàn bạc với các DN tìm hướng giải quyết, tháo gỡ khó khăn giúp DN tiếp tục hoạt động.

Bên cạnh đó, nhiều công ty vẫn duy trì các biện pháp phòng, chống dịch để khi được đi học trở lại, học viên được an toàn tuyệt đối. Các công ty tuyển dụng cũng cho biết, do ảnh hưởng dịch bệnh nên việc chuẩn bị nguồn ứng viên để khi hết dịch sẽ triển khai sâu rộng đến các thị trường.

Nhiều địa phương đều xác định xuất khẩu lao động là con đường giải quyết việc làm hiệu quả, bởi vậy, những năm qua rất chú trọng công tác này. Nhưng trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 đang diễn biến phức tạp, các địa phương rất lo lắng không hoàn thành chỉ tiêu năm nay.

Dịch bệnh COVID-19 không chỉ làm ảnh hưởng đến các DN mà ngay bản thân những lao động đang chờ xuất cảnh cũng lo lắng, bởi nhiều gia đình có con đi xuất khẩu lao động đều phải vay ngân hàng. Nhưng tại thời điểm này, thời gian xuất cảnh phải lùi lại, thậm chí chưa biết bao giờ được đi. Ai cũng mong sớm ổn định công việc còn có tiền gửi về quê trả nợ.

Về phía Bộ LĐTB&XH, để hỗ trợ DN, bảo đảm sức khỏe cho lao động, liên tiếp trong 3 tháng qua, đã có công văn gửi các DN và các đơn vị có liên quan.

Tại buổi làm việc với các đơn vị trực thuộc mới đây, Bộ trưởng Bộ LĐTB&XH yêu cầu các DN xuất khẩu lao động cần dừng ngay việc đưa người lao động Việt Nam đi làm việc tại các khu vực có dịch. Đồng thời, xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật đối với DN không chấp hành. Có các biện pháp tuyên truyền, khuyến cáo người lao động (kể cả lao động bất hợp pháp) chủ động khai báo y tế, theo dõi sức khỏe theo quy định của các nước sở tại trong trường hợp bị nhiễm hay nghi nhiễm dịch COVID-19 hoặc đến từ các vùng khác.

Ngoài ra, Cục Quản lý lao động ngoài nước cũng đã có khuyến cáo, để tránh bị lừa, trong thời điểm này người lao động không thực hiện bất kỳ hợp đồng nào từ các đơn vị xuất khẩu lao động mà mình chưa rõ thông tin. Đồng thời, theo dõi thông tin từ các chương trình của Cục Quản lý lao động ngoài nước tại www.colab.gov.vn, hoặc từ thông báo của địa phương như tuyển thực tập sinh hộ lý tại Nhật Bản khóa 1 năm 2020; tuyển chọn điều dưỡng viên đi học tập và làm việc tại Đức trong ngành điều dưỡng khóa 6 (năm 2020-2021); tuyển chọn thực tập sinh đi thực tập kỹ thuật tại Nhật Bản theo chương trình IM Japan đợt 1 năm 2020…

Cục Quản lý lao động ngoài nước cũng lưu ý các địa phương cần cập nhật danh sách những đơn vị được cấp phép đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài để người lao động biết.

Theo thống kê của Bộ LĐTB&XH, năm 2019 là năm thứ 4 liên tiếp vượt mức 120.000 lao động/năm, nâng tổng số lao động Việt Nam hiện đang làm việc ở nước ngoài lên khoảng 650.000 người tại hơn 40 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong hơn 30 nhóm lĩnh vực, ngành nghề khác nhau.

Một số thị trường lao động ngoài nước truyền thống tiếp nhận nhiều lao động Việt Nam vẫn đang tiếp tục có nhu cầu tuyển dụng cao như Nhật Bản, Đài Loan, Hàn Quốc. Một số thị trường ở châu Âu có nhu cầu ngày càng cao trong việc tiếp nhận lao động từ Việt Nam như Nga, Rumani, Đức, Ba Lan, Latsvia, Áo…

Riêng thị trường Đức, tính đến hết năm 2019, đã có hơn 1.000 điều dưỡng viên từ Việt Nam sang học tập và làm việc, được phía bạn đánh giá cao.

Phương Anh